Con số trên được Bộ Lao động thông tin trong buổi họp báo về tình hình tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp tổ chức ngày 3/3 tại Hà Nội.
Theo báo cáo của các tỉnh, thành trên cả nước, năm 2014, cả nước xảy ra hơn 6.700 vụ tai nạn lao động, làm gần 7.000 người gặp nạn. Trong đó, có 592 vụ tai nạn chết người, khiến 630 lao động thiệt mạng. Đồng Nai là địa phương thống kê được số tai nạn lao động nhiều nhất với hơn 1.400 vụ, TP HCM có số tai nạn lao động chết người cao nhất cả nước với 100 vụ, tăng tới 42% so với năm trước đó.
Tai nạn lao động tăng cả về số vụ và số người chết, đặc biệt là số người bị thương nặng và số vụ có từ 2 nạn nhân trở lên. Trong các vụ tai nạn, ngã từ trên cao vẫn chiếm tỷ lệ cao nhất. Các ngành nghề xảy ra nhiều tai nạn chết người nhiều nhất là khai thác khoáng sản, xây dựng, kinh doanh điện, cơ khí và chế tạo máy.
Theo ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng an toàn lao động, nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng trên là do chủ sử dụng lao động không xây dựng quy trình, biện pháp, tập huấn; không có ý thức đảm bảo an toàn tại nơi làm việc cho người lao động. "Bên cạnh đó, người lao động vi phạm an toàn, không sử dụng các phương tiện bảo hộ cũng là nguyên nhân dẫn tới nhiều vụ tai nạn đáng tiếc xảy ra", ông Thắng thông tin.
Trong lĩnh vực vệ sinh lao động, có gần 6.800 trường hợp nghỉ vì mắc bệnh nghề nghiệp, tập trung vào các bệnh như: bụi phổi silic, viêm phế quản, nhiễm độc chì và các hợp chất của chì, nhiễm hóa chất bảo vệ thực vật, điếc nghề nghiệp, viêm da móng... Tuy nhiên, chỉ có 443 trường hợp được giám định. Trong đó có 130 trường hợp được hưởng trợ cấp một lần và 256 người nhận trợ cấp thường xuyên.
Với mong muốn nâng cao nhận thức, trách nhiệm của chủ sử dụng cũng như người lao động, tuần lễ quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ sẽ được phát động tại Vũng Tàu, với chủ đề "Mỗi doanh nghiệp, người lao động chủ động các biện pháp phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và cháy nổ để bảo vệ chính mình và xã hội".
Hoàng Phương