Vừa qua, một cần cẩu đứt dây trên công trường đã gây ra thiệt hại nhân mạng. Tiếp theo, ông giám đốc công ty lại bị trách vì đã không ra hiện trường. Những tai nạn lao động thương tâm khác như vụ nhi đồng nghiệp chết ngạt trong bồn mỡ cá vẫn liên tiếp xảy ra.
Tai nạn lao động là một vấn đề thường trực trong xã hội công nghiệp. Phát triển kinh tế luôn kèm theo các thiết bị máy móc to lớn cùng những hiểm nguy muôn màu, muôn vẻ. Vậy những nước phát triển làm thế nào để bảo đảm an toàn lao động?
Ngày trước tôi là kĩ sư trong một nhà máy hoá chất của một công ty tại Mỹ. Do nhà máy sản xuất các loại hoá chất cực kì nguy hiểm, nên vấn đề an toàn lao động luôn được đạt lên hàng đầu. Công ty có một hệ thống quản lý an toàn với khẩu hiệu: "An toàn là trên hết".
Các nguyên tắc cơ bản về an toàn luôn được quán triệt, nhắc nhở và áp dụng ở mọi nơi. Ngoài các nguyên tắc về sơ tán khi cháy nổ, hết thảy các nhân viên đều được huấn luyện về phương pháp làm việc an toàn.
Mọi khu vực phòng thí nghiệm và sản xuất hoá chất đều cấm lửa, cấm ăn uống, cấm chạy nhảy. Tất cả mọi người khi vào khu vực này phải mang kính an toàn.
Khi làm việc thì mọi thao tác đều có yêu cầu về đồ dùng an toàn, như áo choàng chống lửa, giày mũi sắt, găng tay, mặt nạ. Có thao tác lại yêu cầu phải đeo mặt nạ chống khí độc và đồ trùm kín. Mùa hè nhiệt độ lên tới 40 độ chúng tôi vẫn phải đeo đủ đồ và đeo thêm một khăn choàng làm lạnh trên cổ để tránh sốc nhiệt.
Cứ ba tháng một lần, công ty lại tổ chức tập huấn sơ tán khẩn cấp. Uỷ ban an toàn viết kịch bản nhưng giữ kín, và thường họ yêu cầu một nhân viên giả vờ gây ra tai nạn để mọi người tập huấn. Một lần tập huấn, chuông báo động reo vang và tôi cùng đồng nghiệp sơ tán ra ngoài sân.
Khi điểm danh thì cô bạn cùng phòng mới vào làm một tháng không có mặt. Chị trưởng phòng méo mặt vì sợ bị trách là không dạy dỗ nhân viên đầy đủ. Tôi cũng méo mặt vì cô ấy làm việc ngay cạnh tôi nhưng đã bỏ đi khoảng 15 phút trước báo động. Đội tìm kiếm của công ty (bao gồm các nhân viên tình nguyện, họ được nhận chế độ nghỉ có lương gia tăng cho công việc) mặc đồ bảo hộ tỏa đi tìm cô ấy.
Trong khi đó thì cả công ty đứng bên ngoài chờ đội cứu hộ diễn tập. Một cô đồng nghiệp khác lại xuất hiện với một xe đẩy trẻ em và bắt đầu quát tháo là công ty làm ô nhiễm môi trường. Một đồng nghiệp khác thì giả làm nhà báo, chụp hình lia lịa và đòi phỏng vấn các nhân viên.
Tất cả chỉ là một phần của vở kịch để giúp nhân viên cư xử đúng đắn khi tai nạn xảy ra. Còn cô đồng nghiệp mới thì là một diễn viên trong kịch bản. Cô ấy đóng vai người mới vào gây ra tai nạn rồi sợ quá trốn trong nhà vệ sinh, khiến đội cứu hộ tìm mệt nghỉ.
Chúng tôi luôn phải trải qua cuộc diễn tập nhằm đảm bảo an toàn lao động. |
Một lần khác thì chúng tôi phải sơ tán thật. Một thùng hoá chất bị trào, gây ra một đám mây axit nhỏ, và chuông báo động lại vang lên. Sau khi ra ngoài đứng hồi lâu, đội tìm kiếm và lính cứu hoả thông báo một nhân viên phải đi tắm để đảm bảo là không bị axit dính vào. Thùng hoá chất đã được xử lí và khu vực xung quanh được khử axit để đảm bảo an toàn.
Sau đấy, một cuộc họp bao gồm các nạn nhân trực tiếp, bộ phận quản lí khu vực mà hoá chất bị trào, toàn thể các cấp lãnh đạo trực tiếp của khu vực và nạn nhân. Cuộc họp đưa một uỷ ban điều tra đến để tìm nguyên nhân, sau đó đưa ra biện pháp ngăn chặn, áp dụng các phương pháp ngăn chặn đấy. Sau đó thì các hoạt động liên quan tới hoá chất đó mới được tiếp tục.
Trở lại với công tác an toàn lao động ở Việt Nam, có vẻ như an toàn không phải là vấn đề ưu tiên của các công ty. Ngay cả người lao động cũng thiếu thông tin về những biện pháp an toàn tối thiểu cho mình.
Ví dụ như khi bạn vào làm việc tại một nơi thì bạn nên tìm hiểu lối thoát hiểm ngay lập tức, vì khi cần mà không biết thì nguy. Khi có cháy nổ hay động đất, tuyệt đối không nên dùng thang máy. Bạn nên nằm xuống gần đất vì khí oxy có nhiều ở nơi thấp. Nếu khói lửa nhiều không thấy đường thì bạn nên ráng tìm thấy một bức tường, rồi cứ bám vào tường mà lần về một phía vì tường nào cũng sẽ dẫn tới cửa.
Khi có người gặp nạn thì bạn phải dừng lại quan sát trước và nghĩ xem làm sao để cứu. Bạn cũng nên la to lên là có người gặp nạn để người khác biết được và cứu trợ nếu cần, điều quan trọng nhất là chỉ nên cứu khi bạn có khả năng.
Giám đốc công ty hay nói với chúng tôi rằng: "Thực sự thì... chẳng thà là một người chết còn hơn hai người chết. Xông vào hiểm nguy không có ích gì khi cả bạn và người bị nạn đều chết".
Khi khiêng vác vật nặng, bạn phải giữ lưng cho thẳng và dùng cơ đùi. Không bao giờ khiêng vật gì mà không thử trước xem nó nặng chừng nào. Sau hết, không nên xấu hổ khi nhờ người khác giúp khiêng cùng, vì nếu bạn bị thương ở xương sống thì rất khổ.
Mọi vật có nguy cơ bị nghiêng đổ đều phải dùng xích khoá vào tường, các dây ròng rọc phải được kiểm tra thường xuyên. Khi có hoạt động trên cao thì mọi khu vực quanh đấy đều phải có biển báo để không có ai tới gần và bị rơi trúng. Bản thân bạn khi vào công trường thì nên mang mũ bảo hộ và luôn nhìn quanh xem có gì trên đầu mình không.
Những biện pháp an toàn thật sự sẽ gây tốn kém cho doanh nghiệp. Thế nhưng, những cái chết và tai nạn còn tốn kém hơn. Nếu bạn là cấp quản lí trong doanh nghiệp, hãy nghĩ về những biện pháp an toàn cơ bản cho nhân viên. Nếu bạn là nhân viên, hãy trang bị cho mình những kiến thức tối thiểu để bảo đảm an toàn.
Hàn Quốc là một đất nước đã phát triển nhiều về khoa học kĩ thuật nhưng về an toàn thì họ hãy còn thua phương Tây rất xa. Tôi đã làm việc với các đồng nghiệp cùng công ty ở chi nhánh Hàn Quốc. Thực tình thì phía Mỹ cứ phải nhắc nhở các đồng nghiệp bên ấy về an toàn mãi. Vụ chìm phà vừa qua cũng phần nào khiến người Hàn Quốc nhận ra những thiếu sót của họ.
Kinh tế càng phát triển thì con người càng phải trang bị thêm kiến thức để có thể làm việc hiệu quả mà an toàn. Mong các bạn nghĩ tới an toàn lao động như là một điều thiết yếu hàng ngày, chứ không phải chỉ là những khẩu hiệu "nhiệt liệt hưởng ứng".